quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Dự án bauxite ở Tây Nguyên rất an toàn

Thứ Ba, 23/11/2010 | 06:10:00 AM

Dự án bauxite đang được triển khai ở Tây Nguyên là rất an toàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên&Môi trường, ông Phạm Khôi Nguyên, nói tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 12 chiều 22/11 ở Hà Nội.

 

 

Yên tâm về dự án bauxite

 

 

"Tôi vừa làm việc với đoàn công tác từ Hungary trở về và bây giờ có thể yên tâm báo cáo Quốc hội rằng dự án bauxite đang được triển khai là rất an toàn.", Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định.

 

 

Bộ trưởng Tài nguyên&Môi trường - Phạm Khôi Nguyên. Ảnh: Quochoi.

 

Không phải là người đăng đàn trong phiên chất vấn buổi chiều nhưng khi được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói: "Tôi đã làm việc với nhiều thành viên trong đoàn và cảm thấy một số vấn đề khá yên tâm xin báo cáo với Quốc hội", ông Nguyên nói.

 

Ông Nguyên cho  biết công nghệ xây dựng hồ chứa bùn đỏ tại Hungary là của những năm 1942, thời điểm đó, công nghệ còn khá lạc hậu. Còn khi triển khai dự án bauxite, Việt Nam lựa chọn công nghệ tiên tiến vào hàng bậc nhất thế giới. Xét về mọi góc độ như yếu tố công nghệ, kinh nghiệm xử lý và khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết thì dự án bauxite có thể yên tâm.

 

Bên cạnh đó, các hồ chứa bùn đỏ của Hungary được xây dựng trên hệ thống đất yếu, thành xây bằng bê tông xỉ, không làm móng của thời những năm 1942 nên nguy cơ mất an toàn cao, trong khi Việt Nam lựa chọn giải pháp công nghệ tiên tiến với độ thẩm thấu tốt qua năm lớp đất, cát…  nên áp lực đối với bể chứa của Việt Nam giảm tới bốn lần so với công trình của Hungary.

 

"Hungary đã không lường được trước các sự cố còn chúng ta khi triển khai dự án bauxite đã tính đến các vấn đề này. Do vậy, băn khoăn của đại biểu Nguyễn Lân Dũng về việc thế lực thù địch phá hoại, hay ngẫu nhiên vỡ đập đều đã được tính toán kỹ và có các phương án xử lý", Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói.

 

Ông Nguyên cho biết Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhiều đơn vị có liên quan đã tiến hành khảo sát các vấn đề liên quan đến động đất, môi trường, độ an toàn cho các hố bùn đỏ ở dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ...

 

"Kết quả thu được tôi có thể khẳng định là những dự án này được triển khai an toàn và không có vấn đề gì xảy ra", ông Nguyên cho biết thêm.

 

 

 

 

 

 

Kế hoạch giảm tải tại các bệnh viện gặp khó

 

 

Chiều 22/11, bị truy trách nhiệm khi không thực hiện lời hứa giảm tình trạng quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu thẳng thắn: "Qua truyền hình trực tiếp, tôi nói với toàn dân rằng Bộ Y tế rất quyết tâm, còn hứa 2, 3, 4, 5 năm thì chưa bao giờ".

 

 

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: "'Tôi chưa bao giờ hứa chấm dứt tình trạng bệnh nhân nằm ghép'. Ảnh: Hoàng Hà.

 

 

Trước khi đi vào câu hỏi trực tiếp, Bộ trưởng Triệu đã tóm lược phần trả lời bằng văn bản đối với 16 câu hỏi chất vấn, trong đó nhấn mạnh một loạt biện pháp đã triển khai để giảm tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép từ 15.000 mỗi ngày vào thời điểm trước năm 2007 xuống còn 6.000. Ông liệt kê một số bệnh viện cơ bản hai năm không còn nằm ghép, như Việt Đức, Thanh Nhàn, khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi trung ương.

 

 

Về giải pháp lâu dài theo Bộ trưởng Triệu là xây dựng thêm bệnh viện (hiện đã được Chính phủ phê chuẩn nguồn đầu tư là trái phiếu để xây dựng, cải tạo bệnh viện cấp huyện, tỉnh); tăng số cán bộ y tế đào tạo ở trình độ đại học gấp 1,7 lần (17.000), sau đại học gấp 1,6 lần so với trước năm 2007.

 

 

Cho rằng một trong những nguyên nhân gây quá tải là thiếu bác sĩ chuyên môn cao ở nông thôn, miền núi vì họ có xu hướng chuyển ra ngoài làm tư, hoặc về thành phố, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết đặt câu hỏi: "Bộ có giải pháp gì để chia sẻ với tuyến trung ương?".

 

Bộ trưởng Triệu cho biết đã "tham mưu với Chính phủ để ban hành một số chính sách đào tạo, giữ chân cán bộ" như, đào tạo cử tuyển con em vùng miền núi, đào tạo có cam kết làm việc 10-20 năm; chính sách phụ cấp đối với cán bộ y tế vùng miền. Luật khám chữa bệnh vừa qua cũng đã đề cập đến trách nhiệm xã hội của cán bộ y tế, cả đời không chỉ làm việc ở thành phố mà phải có thời gian đi miền núi.

 

 

Đại biểu Nguyễn Văn Bình phản ánh vì quá tải, vì trình độ, phương pháp chữa bệnh của cán bộ y tế Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu nên hiện còn có tình trạng bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh tăng lên. Ông Bình đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng và giải pháp.

 

 

Bộ trưởng Triệu khẳng định theo dõi của Bộ bệnh nhân ra nước ngoài giảm do Việt Nam đã có những tiến bộ trong y học, có lãnh đạo cấp cao tiêu chuẩn điều trị ở nước ngoài, nhưng đã tin tưởng điều trị trong nước. Hiện thường xuyên có trên 300 bác sĩ nước ngoài đến Việt Nam học tập trên một số lĩnh vực.

 

 

"Ở đây tôi nhìn thấy có 3-4 đại biểu vừa họp Quốc hội, vừa làm stent động mạch vành ở bệnh viện trong nước", câu trả lời của ông Triệu khiến cả hội trường rộ lên tiếng cười.

 

 

Bộ trưởng Triệu cũng trần tình kế hoạch giảm tải tại các bệnh viện trung ương và tuyến tỉnh gặp khó khăn, do thiếu đất xây bệnh viện và quy định về tuổi nghỉ hưu.

 

 

"Năm 1960 tuổi thọ bình quân của ta là 45,5 đến nay đã là 73, trong khi ta vẫn giữ tuổi nghỉ hưu với nữ là 55, với nam là 60. Rất nhiều lao động có hàm lượng chất xám cao, nhưng đến tuổi buộc phải nghỉ hưu. Chúng tôi tiếc ghê lắm, nhưng không làm thế nào hơn được", ông Triệu nói.

 

 

Trình bày phản ánh của cử tri là phải chờ đợi rất lâu khi khám chữa bệnh, do thủ tục còn phiền hà, nhất là bệnh nhân có bảo hiểm y tế, đại biểu Hồ Thị Thu Hằng đề nghị Bộ trưởng cho biết biện pháp khắc phục. Bà Hằng cũng cho rằng đời sống của viên chức y tế khó khăn, chế độ tiền lương, trợ cấp bất cập, học ĐH tới 6 năm, nhưng khi về hưu hệ số lương thấp hơn các ngành khác.

 

"Đúng là có tình trạng chờ đợi. Tôi đã ngồi một buổi sáng ở bệnh viện lớn thuộc Bộ, bình quân một buổi sáng bác sĩ khám 80-90 bệnh nhân. Biện pháp giải quyết chủ yếu là tăng bác sĩ, ta đang rất tích cực đào tạo, nhưng cũng phải mất 6 năm, sau đó cần 3 năm thì mới làm tốt được", Bộ trưởng giãi bày.

 

Vốn đầu tư cho các dự án điện còn rất thiếu

 

 

 

Trước diễn đàn Quốc hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải với tư cách là một thành viên Chính phủ, trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Tổng Quy hoạch điện VI, đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về việc để xảy ra tình trạng thiếu điện thời gian qua.

 

Phó Thủ tướng cho biết, Tổng quy hoạch điện VI được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tốc độ tăng trưởng từ 15-17%/năm, và sẵn sàng các điều kiện để đáp ứng cho tốc độ tăng trưởng 20%/ năm. Để đáp ứng yêu cầu đó, cần phải đầu tư khoảng 3.000 MW/năm, tương ứng với số vốn đầu tư 6 tỷ USD/năm. Vậy tại sao vẫn thiếu điện?

 

Trình bày trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, nguyên nhân đầu tiên là thiếu vốn. Từ năm 2006 đến nay, chúng ta phải đối mặt với những khó khăn rất lớn của khủng hoảng kinh tế thế giới, nên việc huy động vốn cho các dự án điện là hết sức khó khăn. Vốn vay trong nước có lúc đã lên đến 18-19%, nhưng cũng không đủ vốn mà vay.

 

Việc huy động vốn của nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn, bởi các thị trường cung cấp vốn vay lớn cũng phải tự đương đầu với khủng hoảng, nhiều nước đã ra quy định cấm đầu tư vốn lớn ra nước ngoài để ổn định tài chính của họ. “Từ năm 2003 đến nay, chúng ta không có thêm dự án BOT nào lớn của nước ngoài đầu tư vào ngành điện”, Phó Thủ tướng cho biết.

 

Một vấn đề cũng được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề cập là việc giải phóng mặt bằng. Phần lớn các công trình nguồn và lưới điện của chúng ta đều vướng khâu giải phóng mặt bằng. Có những công trình chậm 2-3 năm do vướng mắc ở khâu này.

 

Giá điện cũng là một nguyên nhân dẫn đến thiếu nguồn cung về điện. Với mức giá bình quân 5,2 cent/kWh, thấp hơn với giá bình quân của các nước trong khu vực. Chính sự không hấp dẫn của giá bán điện như vậy, làm cho việc huy động vốn cho các công trình, đặc biệt là các công trình của tư nhân kém hấp dẫn. Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, nếu chúng ta không có giải pháp tháo gỡ thì không có cách gì đáp ứng đủ điện cho các nhu cầu sản xuất, sinh hoạt.

 

M. A (tổng hợp)

(VFEJ, 22/11/2010)

Lượt xem: 341

Các tin khác

Việt Nam ủng hộ có thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhự

(25/04/2024 07:01:AM)

Căn bản về tái hoang dã

(22/04/2024 08:37:AM)

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE